Liệu Hapag-Lloyd có sẵn sàng để mua HMM?
 

Các tờ báo lớn ở Hàn Quốc đã đưa tin về việc hãng tàu Hapag-Lloyd đã yêu cầu Samsung Securities, công ty đang xử lý việc bán cổ phiếu HMM, cung cấp Bản ghi nhớ thông tin về thương vụ mua HMM. Các hãng cũng cho rằng Hapag-Lloyd có thể đã chính thức ra giá để mua lại HMM, trước thời điểm kết thúc chào bán được ấn định vào ngày 21/8 vừa qua.

Trong khi đó, hãng tàu có trụ sở tại Đức chưa xác nhận đã tham gia quá trình đấu thầu, nhưng đã bổ nhiệm cố vấn tại Goldman Sachs liên quan đến khả năng triển khai thương vụ này.

Trao đổi với Seatrade Maritime News, người phát ngôn của Hapag-Lloyd đã rất “nước đôi” khi nói về sự quan tâm của công ty đối với HMM, “Hapag-Lloyd luôn nghiên cứu các khả năng để phát triển và tăng trưởng hơn nữa hoạt động kinh doanh của hãng. Trong bối cảnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu liệu việc đầu tư vào hoạt động kinh doanh của hãng tàu khác có thể tạo ra một doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa trong ngành vận tải biển toàn cầu hay không.”

Một nhà phân tích trong ngành đã phát biểu theo một cách khác: “Đơn giản thôi, HMM đang được rao bán, vậy tại sao Hapag-Lloyd không xem xét cơ hội này?”

Ông nói, tất cả các hãng tàu lớn đều thu được lợi nhuận rất lớn trong hai năm qua và họ đang có rất nhiều tiền. Ông nhận định, “Tôi chắc chắn rằng mọi hãng tàu lớn đều đã nghĩ về việc này.”

Hapag-Lloyd là hãng tàu có lịch sử “bành trướng” thông qua M&A đáng kể, hãng đã mua lại CP Ships, sáp nhập UASC, tiếp quản hoạt động của CSAV và mới mua lại hãng NileDutch hồi năm 2021.

Tuy nhiên, các hãng tàu container có thể đang ở trong tình trạng “thắt lưng buộc bụng”, sản lượng vận chuyển nửa đầu năm 2023 đã giảm ở tất cả các tuyến vận chuyển ngoại trừ Châu Phi, trong khi mức giá cước đã khiến Hapag-Lloyd chỉ dự báo Lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT) năm 2023 ở mức 2,1-4,3 tỷ USD, giảm rất mạnh so với năm 2022, từng chứng kiến EBIT của hãng đạt đến 19,13 tỷ USD.

Hơn nữa, năm cổ đông lớn của Hapag-Lloyd, CSAV, Klaus Michael Kuhne, công ty đầu tư HGV, Quỹ Qatar Investment Authority và Quỹ đầu tư công của Ả Rập Saudi, đã được hưởng một khoản cổ tức bội thu vào cuối năm 2022.

Theo dữ liệu của Alphaliner, tính thanh khoản của Hapag-Lloyd đã giảm đáng kể từ 12,6 tỷ Euro vào cuối năm ngoái xuống còn 3,6 tỷ Euro vào ngày 30/6/2023.

Để có thể mua được HMM, đối tác trong cùng liên minh THE Alliance, có vẻ như Hapag-Lloyd sẽ có đủ tiền, nếu dự báo của họ đúng như kế hoạch.

Các tổ chức tài chính Hàn Quốc là Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) và Korea Ocean Business Corp (KOBC) nắm giữ tổng cộng 40,65% cổ phần trị giá 746 triệu USD cũng như 2 tỷ USD trái phiếu chuyển đổi. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin tổng giá bán ước tính của hãng tàu này là 3,74 tỷ USD.

Trong khi đó, đã có năm tập đoàn Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm đến việc mua lại HMM, đó là Harim Group, Dongwon Group, LX Group, Samra Midas Group (chủ của hãng tàu SM Line) và Global Sae-A. Danh sách rút gọn dự kiến sẽ được công bố vào tháng 11 năm nay.

Sự tương đồng giữa Hapag-Lloyd và HMM là rất rõ ràng, cả hai đều là thành viên của THE Alliance và Hapag-Lloyd mong muốn tăng cường sự hiện diện của mình trong các tuyến vận chuyển quan trọng kết bối từ châu Á đến châu Mỹ và châu Âu, trong khi HMM cũng có chỗ đứng đáng kể trên thị trường vận chuyển nội Á.

Việc mua lại HMM sẽ giúp Hapag-Lloyd bổ sung thêm khoảng 1 triệu TEU sức chở cho đội tàu của mình, với 83 tàu đang hoạt động và thêm 26 tàu có tổng sức chở đến 265.000 TEU đang được đóng mới, theo dữ liệu của S&P Global công bố vào tháng 3 năm nay.

Về phần mình, cũng theo số liệu từ S&P Global, Hapag-Lloyd đang vận hành 258 tàu, với tổng công suất 1,9 triệu TEU và đang đặt đóng mới 14 tàu với tổng sức chở 362.616 TEU.

 

Xem thêm:

 

Nguồn: Phaata.com (Theo SeatradeMaritime)

Phaata - Sàn giao dịch logistics quốc tế đầu tiên Việt Nam

► Tìm Cước vận chuyển & Dịch vụ logistics tốt hơn!