Giá cước vận tải hàng không đang tăng mạnh trên các tuyến chính Đông-Tây do các chuyến hàng khẩn cấp đến Trung Quốc với đầy ắp vật tư y tế và hàng viện trợ sau khi có lệnh đình chỉ hầu hết các chuyến bay chở hành khách trong bối cảnh dịch virus Corona (COVID-19) bùng phát.

Giá thuê cho một máy bay chở hàng tuyến xuyên Thái Bình Dương thường là khoảng 400.000 USD, nhưng vào tuần trước đã tăng đến 800.000 USD cho chuyến bay một chiều. Đồng thời, giá thuê máy bay vận tải hàng hóa đi từ châu Âu đến Trung Quốc cũng đã tăng gần 200% so với một tuần trước, theo Freight Investor Services (FIS).

Một số lượng lớn công suất vận tải hàng không đã bị sụt giảm trên thị trường do việc đình chỉ các chuyến bay chở khách đến Trung Quốc từ khắp nơi trên thế giới, được cho là có ảnh hưởng đến hơn 70 hãng hàng không. Điều đó đã nhanh chóng làm gia tăng nhu cầu đối với thuê máy bay chở hầu hết là hàng cứu trợ và vật tư y tế.

FIS nhấn mạnh trong bản tin được cập nhật hàng tuần vào thứ Hai, giá cước Frankfurt-Thượng Hải lên đến 2,78 USD/kg, đã tăng 193% so với một tuần trước. Nhu cầu thuê bao trọn gói chuyến tăng vọt được phản ánh rõ nét dựa vào sự bùng nổ số lượng chuyến bay thuê bao từ châu Âu đến Trung Quốc.  

“Chúng tôi có thể giả định rằng một phần lớn lưu lượng hàng hóa này sẽ là các lô hàng cứu trợ, chi phí vận chuyển sẽ được tính cho chủ hàng với một bên nào đó”, FIS cho biết thêm. “Trong khi đó, giá thuê nguyên chuyến bay tuyến xuyên Thái Bình Dương đang dao động trong khoảng từ 500.000 đến 800.000 USD đối với chuyến bay một chiều vào tuần trước”.

Reto Hunziker, giám đốc vận chuyển hàng hóa tại công ty thuê chuyến bay Chapman Freeborn, xác nhận rằng nhu cầu về vận tải hàng không từ châu Âu vào Trung Quốc đã tăng lên và sẽ còn tăng mạnh trong một thời gian nữa. 

Chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ diễn ra cho đến tháng Tư, hoặc thậm chí đến giữa năm nay, Hunziker chia sẻ với JOC.com. Sau đó, một khi Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại - các nhà máy, cơ sở hạ tầng, v.v. - chúng tôi tin rằng nhu cầu vận tải đi từ Trung Quốc đến cả hai khu vực Liên minh châu Âu và Mỹ sẽ tăng cao.

Ronald Lam, giám đốc mảng khách hàng và thương mại của tập đoàn Cathay Pacific, cho biết khối lượng hàng hóa trong tháng 1 đã giảm gần 9% so với năm trước, theo những gì ông mô tả là “thời kỳ Tết Nguyên đán nghiệt ngã nhất mà chúng tôi đã trải qua”.  

Lam cho biết hãng đã thấy được mức nhu cầu vận chuyển rất tốt trên các tuyến trong ba tuần đầu tiên của tháng 1, với doanh số bán tại Trung Quốc được ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ hàng năm.

“Tuy nhiên, vào tuần cuối cùng của tháng 1, nhu cầu đã giảm mạnh khi ngành sản xuất bị đình trệ ở Trung Quốc đại lục trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán”, Lam cho biết trong một báo cáo về hoạt động tháng 1 của Cathay Pacific. “Sự chậm trễ của việc phục hồi sản xuất sau kỳ nghỉ tết trên khắp Trung Quốc đại lục đã ảnh hưởng đáng kể đến cả thị trường Hồng Kông và Trung Quốc đại lục của chúng tôi”.

 

Công suất vận tải hàng không vẫn duy trì

 

Trong khi công suất vận tải hành khách đường hàng không đã bị cắt giảm 40%, công suất vận tải hàng hóa vẫn không bị giảm, và Lam cho biết nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên các khu vực của các tuyến bên ngoài Trung Quốc vẫn rất ổn định, đặc biệt là trên các tuyến đã cắt giảm bớt công suất vận chuyển hành khách.

Ngành công nghiệp vận tải hàng hóa đường hàng không vẫn chưa đưa ra ước tính về mức độ ảnh hưởng của virus Corona. Trong khi vận tải đường biển, Alphaliner dự kiến ​​sản lượng container toàn cầu trong năm nay sẽ giảm gần 1% và sản lượng trong quý đầu tiên của Trung Quốc sẽ giảm 6 triệu TEU. Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã cảnh báo rằng các hãng hàng không thực sự sẽ cảm nhận được tác động trong năm nay.

“Với tất cả những điều hạn chế được đưa ra, chắc chắn nó sẽ là lực cản cho tăng trưởng kinh tế. Và chắc chắn rằng năm 2020 sẽ là một năm đầy thách thức đối với ngành vận tải hàng không”, Alexandre de Juniac, tổng giám đốc và CEO của IATA cảnh báo trong một phát biểu hồi đầu tháng này khi đánh giá kết quả hoạt động năm 2019 của các hãng hàng không. Ông nói thêm, còn quá sớm để dự đoán những tác động lâu dài của các biện pháp nhằm ngăn chặn sự bùng phát của virus Corona.

Nhu cầu vận tải hàng không toàn cầu năm ngoái đã giảm 3,3% so với năm 2018, trong khi công suất tăng 2,1%, theo dữ liệu của IATA. Đó là năm đầu tiên khối lượng hàng hóa giảm kể từ năm 2012 và là kết quả hoạt động yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 khi thị trường vận tải hàng không ký hợp đồng đạt 9,7%.

 

Phaata (Theo JOC)

Phaata.com - Sàn giao dịch Logistics Quốc tế Đầu tiên Việt Nam